
Sinh năm 1996 tại Hà Nội, Nguyễn Việt Trung theo gia đình sang Ba Lan sinh sống khi chưa đầy 1 tuổi và theo học Pinao chuyên nghiệp từ khi mới 7 tuổi. Sau thành công của những giải thưởng cấp Quốc gia ở Ba Lan: Giải Nhất - Cuộc thi Emmy Alberg tại thành phố Lodz, Ba Lan (9 tuổi); Giải Nhì - Cuộc thi dành cho các Pianist trẻ (không có giải Nhất) tại Zyrardow, Ba Lan (10 tuổi); Giành Giải Nhất cuộc thi Emmy Alberg 2005 (Ba Lan)”. Không chỉ dừng lại ở đó, năm 2006, Trung đoạt Giải “Nốt nhạc vàng” cho tay đàn trẻ thể hiện tác phẩm của Mozart xuất sắc (Ba Lan); Giải 4, cuộc thi quốc tế mang tên Frederik Chopin tại Antoni, Ba Lan; Giải Nhì cuộc thi quốc tế mang tên Ludwik Stefanski - Hanlina Czerny Stefanska tại Ba Lan (2008); Giải Nhì cuộc thi Chopin quốc tế dành cho tài năng trẻ (2010); Năm 2021, anh tham dự Cuộc thi Piano quốc tế Fryderyk Chopin lần thứ 18 tại Warsaw và giành Giải Nhất tại Liên hoan Piano toàn quốc “Chopin’s Interpretations of the Young”.
Là soloist trẻ tuổi, Nguyễn Việt Trung được mời biểu diễn cùng các dàn nhạc nổi tiếng như Dàn nhạc Giao hưởng Podkarpackie, Warsaw Symphony Orchestra, Polish Radio Symphony Orchestra, Lublin Philharmonic, Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam, Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời, cùng nhiều dàn nhạc khác, dưới sự chỉ huy của các nhạc trưởng danh tiếng như Honna Tetsuji, Olivier Ochanine, Łukasz Borowicz, và Lê Phi Phi. Vinh dự có mặt ở nhiều sân khấu danh giá trên thế giới như: Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Ý, Anh, Singapore, Đan Mạch, Nga, Hungary, Ba Lan, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam và nhiều quốc gia khác, hợp tác cùng các nhóm tứ tấu và ngũ tấu nổi tiếng như Ulysses Quartet, Arod Quartet, và Arso Quintet. Sở hữu phong cách biểu đạt đầy nội tâm và sáng tạo, Nguyễn Việt Trung chinh phục khán giả bằng khả năng truyền tải cảm xúc tinh tế, sâu sắc và mãnh liệt qua từng phím đàn cũng như biểu cảm gương mặt. Đây cũng là lý do anh nhận được sự ái mộ của khán giả trong nước và quốc tế.

Sinh sống, học tập và làm việc từ nhỏ tại đất nước Ba Lan, được nghe và tiếp cận với âm nhạc châu Âu từ sớm, đặc biệt là những tác phẩm của Chopin. Trung cho biết: “Với âm nhạc của Chopin, tôi có nhiều thuận lợi hơn vì từ nhỏ đã tiếp xúc với âm nhạc của Chopin. Âm nhạc của ông đậm chất tính trữ tình, chất thơ và tôi nghĩ đó cũng là điểm mạnh của tôi khi chơi các tác phẩm của Chopin. Tôi nghĩ, chơi nhạc Chopin đòi hỏi sự uyển chuyển của cổ tay nhiều hơn. Khi làm chủ được kỹ thuật thì cũng là lúc mình được giải phóng suy nghĩ và chỉ thả hồn bay bổng theo dòng cảm xúc tuôn chảy của âm nhạc. Lắng nghe âm thanh để hiểu và cảm nhận được màu của âm thanh, độ tương phản của sáng - tối và ở mỗi khoảng sáng khác nhau, tiếng đàn phải thể hiện được điều đó, rồi cả sự đậm đặc, trầm ở tầng sâu dưới lòng đất, âm sắc cũng sẽ khác với bóng tối đơn thuần. Trung thích ánh sáng trong âm nhạc, nó có tầng nấc, biên độ khác nhau, thứ ánh sáng mê hoặc ấy đã dẫn dắt tôi đi theo mạch chảy thanh âm của tác phẩm. Thậm chí phải tìm ra được nguyên lý của trạng thái cảm xúc trong từng đoạn nhạc để có thể diễn đạt cảm xúc một cách tinh tế rà cũng rất “sexy”. Một điểm tôi cũng rất thích trong tác phẩm của Chopin chính là tính chất ngẫu hứng trong âm nhạc".
Chopin và bản Concerto số 1 cung Mi thứ
Trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình, Chopin tập trung sáng tác cho cây đàn piano, nhạc cụ đã đưa Chopin trở thành “thần đồng” khi mới lên tám tuổi ở Warsaw, còn ở Vienna ngay khi anh xuất hiện lần đầu vào năm 1829. Chopin sáng tác hai bản Concerto để thể hiện tối đa kỹ thuật điêu luyện của mình với ý định tiến sâu hơn vào hai trung tâm âm nhạc lớn Vienna và Paris. Chopin đã trình tấu ra mắt Concerto Mi thứ trong buổi hòa nhạc chia tay Warsaw vào ngày 11 tháng 10 năm 1830. Ba tuần sau, anh rời quê hương mãi mãi và anh ra mắt concerto này với thính giả Vienna vào tháng 4 năm 1831.
Lần đầu tiên, 2 soloist Nguyễn Việt Trung và Eric Lu sẽ chơi 2 Concerto của Chopin cùng Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời, dưới đữa chỉ huy của Nhạc trường Olivier Ochanine trên sân khấu Nhà hát Hồ Gươm. Đây sẽ là cơ hội tuyệt vời dành cho những người yêu nhạc Chopin.
Concerto số 1 cung Mi thứ, op.11 được Chopin sáng tác vào năm 1830. Tác phẩm gồm 3 chương: Chương I, Allegro maestoso (Mi thứ), dàn nhạc chơi với tính chất âm nhạc mạnh mẽ và chắc chắn, nối tiếp là giai điệu của chủ đề một được trình bày bởi dàn dây trên cung Mi thứ. Âm nhạc lắng xuống để chuẩn bị cho sự xuất hiện của nghệ sĩ độc tấu. Phần độc tấu piano chiếm vị trí nổi bật được bắt đầu bằng sự lấp lánh tuyệt đẹp đặc trưng trong âm nhạc của Chopin. Lúc này, dàn nhạc chỉ đóng vai trò là phần đệm, mà chủ yếu ở dây là dàn dây. Chủ đề thứ hai xuất hiện mang tính chất trữ tình và có phần hơi đối lập với tiết tấu nhảy múa. Nếu dàn nhạc chơi tutti trên cường độ sắc thái mạnh mẽ và dồn dập thì sang phần độc tấu âm nhạc trở nên tinh tế và làm nổi bật kỹ thuật điêu luyện của nghệ sĩ biểu diễn. Trong phần này, chủ đề một được mở rộng khá nhiều với sự tăng cường thêm những yếu tố âm trang trí. Chủ đề hai trữ tình cũng được tái hiện lại thêm một lần nữa để nhường chỗ cho phần kết chương I của dàn nhạc trên hợp âm Mi thứ. Chương II, Romanze - Larghetto (Mi trưởng ), chương chậm bắt đầu bằng dàn dây ở sắc thái nhỏ và piano vang lên ngay sau đó với tính chất hát xướng. Về cơ bản chương nhạc giống với một bản Nocturne. Ý đồ của tác giả được tiết lộ thông qua bức thư mà Chopin gửi cho người bạn của mình - Titus Woyciechowski, rằng: "Đoạn nhạc này trong bản concerto cung Mi thứ không nhằm tạo ra hiệu ứng mạnh mẽ mà đúng hơn là một bản Romance, bình lặng và u sầu, tạo ấn tượng về hình ảnh một người đang nhớ đến hàng ngàn kỷ niệm vui vẻ. Nó giống như một loại mơ màng dưới ánh trăng vào một buổi tối mùa xuân tươi đẹp". Một chương nhạc để người nghe đắm chìm vào không gian của Chopin rất tinh tế và lãng mạn.
Chương III, Rondo - Vivace (Mi trưởng), chương nhạc được viết theo hình thức Rondo khai thác chất liệu âm nhạc từ điệu nhảy dân gian Krakoviak - điệu nhảy phổ biến của thành phố Krakow, Ba Lan. Toàn bộ chương nhạc là sự phân bổ khá nhịp nhàng giữa phần độc tấu vừa phô diễn được kỹ thuật điêu luyện của soloist và cũng cho thấy năng lượng của người nghệ sĩ và cả sự dí dỏm, sôi nổi từ trong sắc của các cây nhạc cụ dàn nhạc. Chương nhạc được Chopin viết ở âm khu rộng và sắc thái phong phú. Chương kết mang một trạng thái vui vẻ, nhẹ nhõm của piano và kết thúc bằng phần tutti của dàn nhạc.