Tôi gọi Nguyễn Việt Trung là “Người hát trên phím đàn” không biết có quá không, nhưng tôi thực sự yêu tiếng đàn Piano của Trung và theo dõi những bước trưởng thành của chàng nghệ sĩ trẻ từ khi đạt giải thưởng đầu tiên tại Ba Lan năm 9 tuổi - Đó là vào năm 2005, khi ấy, tôi đang là phóng viên chương trình phát thanh Dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc. Không vinh dự, tự hào sao được khi một cậu bé người Việt đã đạt Giải Nhất tại Cuộc thi piano Emmy Alberg - Ba Lan.

Đây là một trong những cuộc thi âm nhạc uy tín dành cho các tài năng trẻ tại Ba Lan. Chiến thắng này đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong hành trình âm nhạc của Trung. Không dừng lại ở đó, Trung còn tiếp tục đạt nhiều giải thưởng khác. Tuy là nghệ sĩ trẻ, nhưng Trung đã chinh phục khán giả yêu nhạc toàn cầu bằng phong thái đĩnh đạc và lối chơi nội tâm sâu thẳm.
Dù sở hữu những thành tựu âm nhạc khiến bạn bè đồng trang lứa ngưỡng mộ, nhưng Nguyễn Việt Trung lại là một nghệ sĩ dễ gần, dễ mến, giản dị, khiêm nhường nhưng cũng đầy tinh tế, học thuật. Trung bước vào con đường âm nhạc bằng một tình yêu thuần túy và sự khích lệ động viên từ cha, mẹ và gia đình.

Trong 20 năm theo dõi con đường học vấn và trưởng thành của Nguyễn Việt Trung, tôi thật sự say mê tiếng đàn ấy, nó chạm tới sâu thẳm trái tim tôi và đã hơn 1 lần tôi rơi nước mắt khi nghe tiếng đàn Trung.
Là nghệ sĩ piano mang hai quốc tịch Việt Nam - Ba Lan, nên tôi hiểu được vì sao Trung có thể chơi nhạc của Chopin hay đến thế. Bởi, Trung đã có những năm tháng đầu đời ở Ba Lan, quê hương của thiên tài âm nhạc Frédéric Chopin - Nhà soạn nhạc và nghệ sĩ piano lãng mạn bậc nhất thế kỷ XIX. Âm nhạc của Chopin thấm đẫm hồn dân tộc Ba Lan, từ những điệu nhảy Mazurka dân gian đến những khúc Nocturne trữ tình sâu lắng. Chopin không chỉ là niềm tự hào của người dân Ba Lan - một đất nước yêu chuộng hoà bình mà còn là biểu tượng toàn cầu về vẻ đẹp tinh tế và chiều sâu cảm xúc trong âm nhạc cổ điển.
Mặc dù tôi đã nghe Trung chơi Concerto số 1 cung Mi thứ, Op. 11 của Frédéric Chopin nhiều lần nhưng mỗi lần là những cảm xúc khác biệt. Dường như càng chơi, Trung càng thấm hồn nhạc của Chopin và mỗi lần chơi Trung lại đưa đến cho khán giả những xúc cảm mới lạ, như muốn hút hồn người nghe vào từng cung bậc cảm xúc của âm thanh.
Bởi, Concerto số 1 của Chopin là tác phẩm vừa thử thách kỹ thuật đối với nghệ sĩ biểu diễn, vừa là sân khấu lý tưởng để nghệ sĩ thể hiện trọn vẹn bản lĩnh nghề nghiệp, phô diễn kỹ thuật cũng như cá tính âm nhạc là những nét đặc trưng riêng biệt của người nghệ sĩ.

Và trong đêm hoà nhạc vừa qua, Trung đã khiến khán giả trong đó có tôi như được ngân lên khúc ca trên những phím đàn, còn với Trung thì: “Khoảnh khắc trên sân khấu thật sự thăng hoa khi được là chính mình với cây đàn. Trung hoàn toàn tự chủ cả về kỹ thuật và cảm xúc để biểu hiện được chính con người mình, cá tính, suy nghĩ và tình cảm của mình một cách trọn vẹn thông qua âm nhạc”.
“Đối thoại với Chopin” – Tiếng vọng của tâm hồn lãng mạn
Bản Concerto số 1 của Chopin ra đời năm 1830, bản thực chất được viết sau Concerto số 2, nhưng lại được xuất bản trước nên mới có sự hoán đổi số hiệu. Đây là một bản concerto giàu chất thơ, mang tinh thần lãng mạn đậm nét và chứa đựng trọn vẹn tâm hồn và khát vọng tuổi trẻ của Chopin. Tác phẩm được trình diễn lần đầu vào ngày 11/10/1830 tại Nhà hát Quốc gia Warsaw, với Chopin độc tấu và chỉ huy là Carlo Evasio Soliva. Đêm nhạc ấy còn có sự xuất hiện của Konstancja Gładkowska – cô nữ sinh soprano được mệnh danh là “nàng thơ” của Chopin.

Mặc dù sống tại Ba Lan từ khi 1 tuổi, nhưng Trung được nuôi dưỡng và giáo dục theo đúng truyền thống của người Việt nên trái tim luôn dành trọn cho quê hương. Có lẽ vì thế, khi chơi Concerto số 1 của Chopin, dường như Trung cảm thấu rõ nét và sâu sắc hơn về nỗi nhớ quê hương, gia đình, bạn bè khi đọc được những suy nghĩ của Chopin viết trong từng giai điệu của bản Concerto trước khi rời khỏi Ba Lan vĩnh viễn.
Ở chương I Allegro maestoso, ngay từ câu đầu tiên của Piano, Nguyễn Việt Trung đã đưa khán giả vào chiều sâu của cảm xúc. Trung luôn giữ cho mình một tâm thế cân bằng giữa cấu trúc cổ điển và nhạc tính hiện đại, làm nổi bật không khí trang trọng của phần mở đầu dàn nhạc, rồi thả mình vào phần độc tấu bằng sự uyển chuyển, nhẹ nhàng, thanh thoát chứ không khoe trương kỹ thuật một cách vội vàng mà Trung để những thanh âm của cây đàn piano kể chuyện, dẫn người nghe vào thế giới cảm xúc nội tâm với từng biến hóa nhỏ trong chủ đề.
Ở chương II Romanze - Larghetto, chất thơ, sự lãng mạn của Chopin hiện ra như một bức tranh. Nguyễn Việt Trung đã tiết chế cảm xúc để xử lý giai điệu với kỹ thuật tinh tế, độ nhạy cảm hiếm có khi thì mềm mại, nhẹ nhành như hát trên phím đàn, nhưng cũng có lúc lại cho người nghe cảm nhận được những thanh âm sôi nổi như nhẩy múa, để khắc họa vẻ đẹp vừa dịu dàng, thơ mộng, vừa cá tính, sâu sắc trong âm nhạc của Chopin. Có lúc nghe Trung chơi đàn như đang thủ thỉ, đang thì thầm với một ký ức xa xôi – cũng như chính Chopin từng viết: “Là sự nghỉ ngơi trong một khung cảnh yêu dấu, như dưới ánh trăng mùa xuân…”.

Chương III Rondo – Vivace mang tinh thần của những điệu nhảy dân gian Ba Lan. Trung mang đến nguồn năng lượng tươi trẻ, nhưng kiểm soát chặt chẽ tốc độ, những kỹ thuật nhấn nhá sắc bén, những nốt nhạc “bỏ nhỏ” như tâm tình, duyên dáng. Không chỉ thể hiện kỹ thuật và cả kỹ năng vượt trội qua những đoạn chạy âm giai và hợp âm rải, mà còn cho thấy Trung là một người kể chuyện biết cách gieo vào lòng người nghe những hào quang lấp lánh và cả chút mộng mị, khiến người nghe tập trung mọi giác quan vào tiếng đàn Piano mà đôi lúc quên đi vai trò của Dàn nhạc và nó cũng đúng như Chopin mong muốn: “để mọi ánh sáng tập trung vào piano”.
Với các nghệ sĩ piano, chơi nhạc của Chopin không khó, nhưng để thể hiện được hồn cốt trong những tác phẩm của Chopin đòi hỏi sự nhạy cảm, tinh tế và một trái tin chân thành tha thiết yêu thương mới có thể cảm nhận và lan tỏa. Tác phẩm của Chopin đòi hỏi nghệ sĩ phải hiểu Chopin không chỉ bằng kỹ năng mà bằng trái tim. Và Nguyễn Việt Trung, bằng chính sự hiểu biết sâu sắc và cách tiếp cận sâu sắc từ lịch sử, văn hoá, dòng chảy âm nhạc của Ba Lan và của Chopin để có thể độc thoại nội tâm cùng âm nhạc của Chopin - nơi người nghệ sĩ không chỉ là người chơi đàn, mà là người lắng nghe chính mình.

Trở về, biểu diễn tại quê nhà, đối với Nguyễn Việt Trung đây là những khoảnh khắc giao thoa giữa ký ức, cội nguồn và sự trưởng thành như Trung từng chia sẻ: “Tôi thích những khoảng sáng và vẻ đẹp của âm thanh. Đôi khi, điều khiến âm nhạc chạm đến người nghe không phải là kỹ thuật mà là độ tĩnh - một khoảnh khắc chậm lại để cảm nhận”.
Ngay sau đêm diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Nguyễn Việt Trung cùng các nghệ sĩ Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam và nhạc trưởng Honna Tetsuji lên đường sang Nhật Bản biểu diễn phục vụ công chúng Nhật Bản và Cộng đồng người Việt Nam tại Nhật.

Tác giả: Trần Lệ Chiến
Ảnh: Hoàng Pane Vino