“Chopin: Huyền diệu Dương cầm”, chạm tới trái tim và cảm xúc khán giả

Khán giả Nhà hát Hồ Gươm đã có một đêm thưởng thức nghệ thuật trọn vẹn với “Chopin: Huyền diệu Dương cầm” qua tiếng đàn tuyệt đẹp của hai nghệ sĩ với những giải thưởng quốc tế là Nguyễn Việt Trung và Eric Lu cùng Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời, dưới đũa chỉ huy của Giám đốc âm nhạc - Nhạc trưởng Olivier Ochanine.

Chopin là nghệ sĩ Piano bậc thầy người Ba Lan. Ông đã lưu dấu tên của mình trong dòng chảy của nền âm nhạc cổ điển châu Âu và lan tỏa trên toàn cầu. Trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình, Chopin tập trung sáng tác cho cây đàn piano, nhạc cụ đã đưa Chopin trở thành “thần đồng” khi mới lên tám tuổi ở Warsaw, còn ở Vienna ngay khi xuất hiện lần đầu vào năm 1829. Chopin sáng tác hai bản Concerto số 1 và số 2, thể hiện tối đa kỹ thuật điêu luyện của mình với ý định tiến sâu hơn vào hai trung tâm âm nhạc lớn Vienna và Paris. Âm nhạc của Frédéric Chopin cho thấy sự lãng mạn, dạt dào cảm xúc với những giai điệu trữ tình, đòi hỏi người nghệ sĩ phải làm chủ kỹ thuật mới có thể biểu đạt được tận cùng cảm xúc mà không bị kỹ thuật chi phối.

Nghệ sĩ piano Nguyễn Việt Trung thả hồn cùng những cung bậc cảm xúc của âm thanh trong “Chopin: Huyền diệu Dương cầm”.

Với “Chopin: Huyền diệu Dương cầm”, khán giả được thưởng thức trọn vẹn 2 bản Concerto số 1 và số 2 Chopin. Pianist Nguyễn Việt Trung với “Concerto số 1 cung Mi thứ, Op.11”. Tác phẩm gồm ba chương, mỗi chương mang một sắc thái riêng biệt, thể hiện tinh thần âm nhạc độc đáo của Chopin. Chương I “Allegro maestoso (Mi thứ)” với phần mở đầu do dàn nhạc đảm nhiệm, tạo nên không khí mạnh mẽ và chắc chắn. Khi âm nhạc lắng xuống, nghệ sĩ Nguyễn Việt Trung xuất hiện với phần độc tấu nổi bật. Bàn tay lướt trên phím đàn, Nguyễn Việt Trung đã thổi hồn mình và truyền đến khán giả một xúc cảm thật đặc biệt. Ở đó, những âm thanh vang lên lấp lánh, thanh thoát, dạt dào cảm xúc nhưng cũng cho thấy Nguyễn Việt Trung đã làm chủ được kỹ thuật để có thể thả hồn “phiêu” cùng những cung bậc của cảm xúc, nét đặc trưng trong âm nhạc Chopin. Lúc này, dàn nhạc chỉ đóng vai trò đệm, chủ yếu từ các nhạc cụ dây, làm nền càng tôn lên vẻ đẹp tinh tế của soloist. Chương II “Romanze - Larghetto (Mi trưởng)” với tính chất âm nhạc chậm rãi, bắt đầu với dàn dây ở sắc thái nhẹ nhàng, trước khi piano cất lên giai điệu mang đậm tính chất hát xướng. Qua bức thư Chopin gửi bạn mình, Titus Woyciechowski, ông mô tả phần này như một bản Romance, êm đềm và man mác buồn, gợi lên hình ảnh người mơ màng giữa ánh trăng vào buổi tối mùa xuân. Người nghe dễ dàng đắm chìm vào không gian lãng mạn, đầy cảm xúc, nhưng cũng thật tinh tế của chương nhạc này. Chương III “Rondo - Vivace (Mi trưởng)” lấy cảm hứng từ điệu nhảy dân gian Krakoviak mang tinh thần sôi động và tràn đầy năng lượng. Đây là sự phối hợp hoàn hảo giữa phần độc tấu phô diễn kỹ thuật điêu luyện của pianist và các sắc thái dí dỏm, vui tươi của dàn nhạc. Chopin khai thác âm khu rộng cùng sắc thái phong phú, kết thúc chương nhạc bằng phần tutti của dàn nhạc, mang lại cảm giác tươi vui và nhẹ nhõm.

Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời dưới sự chỉ huy của Nhạc trưởng Olivier Ochanine

Nói về cơ duyên đến với âm nhạc Chopin, nghệ sĩ Piano Nguyễn Việt Trung chia sẻ: “Âm nhạc của Chopin đến với tôi rất tự nhiên bởi tôi sống và học tập tại Ba Lan. Từ lúc 5 tuổi, mẹ tôi đã mua các băng đĩa của Nhà soạn nhạc Chopin và cho tôi nghe vào mỗi đêm. Khi theo học tại trường nhạc, trong mỗi buổi thi hoặc buổi biểu diễn, nhà trường cũng như khán giả luôn mong muốn chúng tôi sẽ trình diễn những tác phẩm của Chopin. Khi trưởng thành hơn, tôi tìm hiểu và nghiên cứu về cuộc đời của ông cũng như hoàn cảnh xã hội những năm 1840. Bởi vậy âm nhạc của Chopin cũng ảnh hưởng khá nhiều đến tôi và gia đình. Đôi lúc tôi và mẹ ôi và tôi cũng chia sẻ rằng thử tạm dừng chơi nhạc Chopin để tìm những cảm hứng mới trong nghệ thuật, nhưng âm nhạc của Chopin đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của tôi, nên chỉ 2 tuần, tôi đã quay trở lại chơi các tác phẩm của Nhà soạn nhạc tài ba và âm nhạc của ông không thể thiếu trong cuộc sống của tôi".

Pianist Nguyễn Việt Trung: “Âm nhạc của Chopin không thể thiếu trong cuộc sống của tôi”.

Sau màn trình diễn của nghệ sĩ piano Nguyễn Việt Trung trong “Concerto số 1” của Chopin, nhà văn Phạm Việt Long cho biết: “Khán giả Việt Nam tiếp cận âm nhạc cổ điển không nhiều, nhưng sự am hiểu và yêu mến dành cho thể loại này đang không ngừng được nâng cao. Đáng tự hào hơn, các nghệ sĩ Việt Nam ngày nay đã đạt được những bước tiến vượt bậc, chinh phục nhiều tác phẩm kinh điển nổi tiếng trên thế giới. Nghệ sĩ piano Nguyễn Việt Trung đã truyền tải trọn vẹn chất trữ tình, tinh tế trong âm nhạc của Chopin. Qua những giai điệu mềm mại. quyến rũ, tinh tế và sang trọng. Tiếng đàn của Trung không chỉ cho thấy học thuật và cả sự khéo léo trong kỹ thuật mà còn thấm đẫm cảm xúc, chạm đến trái tim người nghe. Đặc biệt, với hệ thống âm thanh tuyệt vời của Nhà hát Hồ Gươm, từng nốt nhạc của cây đàn dương cầm trở nên trong trẻo và rõ nét hơn bao giờ hết. Chính sự hòa quyện giữa tài năng nghệ sĩ và chất lượng không gian biểu diễn đã làm cho âm nhạc của Chopin vang lên giữa lòng Thủ đô thật tinh tế, sâu lắng và đầy sức lay động”.

Phần hai của chương trình là “Concerto số 2 cung Fa thứ, Op.21” của Chopin, với phần biểu diễn của pianist Eric Lu. Nghệ sĩ không giấu được niềm phấn khích khi chia sẻ về cơ hội trở lại Việt Nam biểu diễn: “5 năm trước, lần đầu tiên tôi biểu diễn tại Việt Nam và cũng đã nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả, đã để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc. Đặc biệt, lần này còn thêm ý nghĩa hơn khi tôi có cơ hội biểu diễn cùng người bạn thân thiết của mình là nghệ sĩ Nguyễn Việt Trung. Được đứng chung sân khấu cùng anh ấy đã tạo nên những khoảnh khắc tuyệt vời mà tôi sẽ mãi ghi nhớ".

Nghệ sĩ Eric Lu thả hồn vào từng giai điệu của Concerto số 2 của Chopin

“Concerto số 2 cung Fa thứ, Op.21” của Chopin gồm ba chương, mỗi chương đều mang một sắc thái riêng.Chương I “Maestoso (Fa thứ)” mở đầu với chủ đề mạnh mẽ, kịch tính nhờ sự tương phản âm sắc của dàn nhạc. Tính đối thoại giữa bộ dây và bộ gỗ được thể hiện rõ nét. Đây không phải là một chương sonata cổ điển mà mang cấu trúc tự do, không có phần cadenza truyền thống. Chương II “Larghetto (La giáng trưởng)” giống như một bản Nocturne, là nơi Chopin gửi gắm nội tâm sâu sắc của mình dành cho Gladkowska - giọng nữ cao mà ông từng yêu. Chương này tập trung diễn tả cảm xúc tinh tế, đồng thời phô diễn kỹ thuật điêu luyện với những chuỗi chạy ngón đầy uyển chuyển của Eric Lu. Chương III “Allegro vivace (Fa thứ – Fa trưởng)” là sự kết hợp hài hòa giữa điệu Waltz Vienna thanh lịch và nhịp điệu Mazurka - điệu nhảy dân gian đặc trưng của Ba Lan.

TS.NSƯT Nguyễn Trọng Bình - Phó trưởng phòng Đào tạo, Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam nhận xét: “Eric Lu và Nguyễn Việt Trung là hai tài năng trẻ với nhiều giải thưởng âm nhạc thế giới. Tôi đã dõi theo bước đường phát triển của hai nghệ sĩ này từ lâu, đồng thời có cơ hội trò chuyện cùng họ về âm nhạc. Eric Lu và Nguyễn Việt Trung mang trong mình ngọn lửa đam mê mãnh liệt và khát vọng vươn tới những đỉnh cao trong lĩnh vực biểu diễn piano trên thế giới. Sự hòa hợp của hai nghệ sĩ này không chỉ xuất phát từ tài năng cá nhân mà còn từ tình bạn thân thiết ngoài đời thường. Họ chia sẻ nhiều điểm chung, từ sự gắn bó với âm nhạc đến việc cùng được truyền cảm hứng và học tập. Lối chơi của họ thể hiện rõ cá tính âm nhạc riêng biệt, nhưng cũng cho thấy sự đồng điệu, mang lại những màn trình diễn đỉnh cao, đầy cảm xúc cho khán giả”.

Các nghệ sĩ có khoảng thời gian ký tặng khán giả sau buổi diễn

Đêm  “Chopin: Huyền diệu Dương cầm” dẫn dắt khán giả từ sự lãng mạn, sâu lắng trong từng giai điệu đến khúc nhạc sôi động, tràn đầy năng lượng của Nhà soạn nhạc Frederic Chopin. Hãy cùng chờ đón đêm diễn thứ hai mang tên “Âm Vang Huyền Thoại” - nơi các kiệt tác của Beethoven, Mozart và Brahms sẽ ngân vang, khẳng định những giá trị trường tồn của âm nhạc cổ điển.