Sự ra đời của bản Concerto số 10, cung Mi giáng trưởng - K365
Cách đây hơn 200 năm bản concerto số 10 cung Mi giáng trưởng dành cho hai piano, K365 vang lên tại Vienna do chính Nhà soạn nhạc thiên tài Mozart cùng học trò của mình là Josepha Auernhammer biểu diễn. Mozart đã sáng tác bản Concerto duy nhất cho hai cây đàn piano ở Salzburg vào những năm cuối thập niên 1770 cùng thời điểm với Sinfonia Concertante cho violin và viola.
Trong bản viết tay có bút tích của ông Leopold - bố Mozart và của chính Mozart là tác phẩm được ra đời năm 1775. Nhưng men theo hành trình âm nhạc của Mozart thì sau này bản nhạc hiệu chỉnh được viết vào năm 1779, khoảng thời gian hoạt động âm nhạc của ông cùng với gia đình và bạn bè tại quê nhà - Salzburg. Concerto số 10 K365 không chỉ thể hiện tài năng sáng tác của Mozart mà còn là một minh chứng cho sự phát triển của thể loại concerto trong thời kỳ Baroque và Cổ Điển.
Vào ngày 9/12/2024 tại Nhà hát Hồ Gươm những người yêu âm nhạc Cổ điển nói chung và âm nhạc của Mozart nói riêng sẽ được thưởng thức bản Concerto dành cho hai cây đàn piano này với phần trình tấu giữa Nguyễn Việt Trung, một nghệ sĩ piano nổi tiếng với kỹ thuật điêu luyện và khả năng biểu cảm sâu sắc, cùng Eric Lu, một tài năng trẻ đầy triển vọng. Sự kết hợp giữa hai nghệ sĩ này hứa hẹn sẽ mang đến một buổi biểu diễn đầy ấn tượng, với những khoảnh khắc thăng hoa và sự hòa quyện tuyệt vời giữa hai phong cách trình tấu trong một tổng thể hài hoà và tuyệt mỹ bởi sự góp mặt của 27 nghệ sĩ quốc tế và Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời dưới đũa chỉ huy của Nhạc trưởng Olivier Ochanine.
Một trong những điểm nổi bật của Concerto K365 là sự tương tác tinh tế giữa hai piano. Mozart đã khéo léo xây dựng các đoạn đối thoại, nơi mà mỗi nghệ sĩ, bằng tài năng của mình có thể phô diễn mọi kỹ thuật, cảm xúc rất riêng nhưng cũng cho thấy sự hòa quyện âm sắc của 2 cây đàn tạo nên một tổng thể hài hòa. Điều này đòi hỏi các nghệ sĩ phải có sự ăn ý và hiểu biết sâu sắc về tác phẩm. Concerto số 10.K365 không chỉ thử thách các nghệ sĩ với những kỹ thuật khó mà còn đòi hỏi người nghệ sĩ phải làm chủ kỹ thuật để có thể biểu đạt được tận cùng cảm xúc mà Nhà soạn nhạc muốn truyền tải qua những thanh âm. Từ những đoạn nhạc nhanh, mạnh mẽ đến những giai điệu nhẹ nhàng, trữ tình, mỗi nghệ sĩ cần phải có độ nhạy cảm, tinh tế thì mới có thể làm chủ được cây đàn, giải phóng được cơ thể và không bị mắc kẹt trong những đòi hỏi của kỹ thuật để có thể thăng hoa cảm xúc.
Concerto số 10. K365 cung Mi giáng trưởng gồm 3 chương
Chương I, Allegro với phần mở đầu sôi động, với sự tương tác giữa hai piano và dàn nhạc. Mozart đã khéo léo sử dụng các chủ đề âm nhạc để tạo ra sự đối thoại giữa hai nhạc cụ, thể hiện sự hòa quyện và cạnh tranh giữa chúng. Vào bằng sự chào mừng của dàn nhạc rực rỡ, sau đó từng cây piano vang lên như giới thiệu về mình, sau đó dàn nhạc bước vào trang trí cho phần piano độc tấu. Hai cây piano thay phiên nhau, một piano chơi giai điệu trên âm khu cao và piano còn lại khai thác bè trầm. Như thể đôi tai của người nghe được lấp đầy cả một dải âm thanh rộng khắp. Dàn nhạc điểm xuyết và sau đó được piano dẫn dắt sang chủ đề mới với tính chất âm nhạc mạnh mẽ, dứt khoát hơn. Và rất nhanh chóng, sự nhỏ nhắn sinh động quay trở lại. Sự kết hợp của hai cây piano lúc này đan chéo nhau trở về chủ đề chính và được mở rộng. Giai điệu chính một lần nữa trang nhã được vang lên, phần cadenza được miêu tả bằng những nét giai điệu láy rền và chuyển sang kịch tính sau đó là sự trở lại của dàn nhạc như dàn pháo bông được bung nở. Kết thúc chương nhạc huy hoàng.
Chương II được viết ở tốc độ chậm rãi - Andante, dàn nhạc nhẹ nhàng bước vào như bước chân của người phụ nữ trong điệu nhảy duyên dáng. Dàn dây chơi một nét giai điệu đặc trưng của thời kỳ Cổ Điển để đón phần độc tấu của hai cây piano. Sự xuất hiện của piano cũng không vội vã, màu sắc âm nhạc cũng trở nên lắng đọng hơn, giống như một sự nghỉ ngơi đẹp đẽ. Đã có sự tương tác giữa dàn nhạc và piano, những câu chuyện đã có thêm nhiều nhân vật bằng âm hưởng của các cây trong bộ gỗ. Chương nhạc mang đến một không gian tĩnh lặng và sâu lắng hơn, với giai điệu nhẹ nhàng, giàu cảm xúc. Đây là lúc mà hai nghệ sĩ có thể thể hiện khả năng biểu cảm của mình, tạo nên những khoảnh khắc thăng hoa trong âm nhạc.
Chương III, Rondo Allegro với phần kết thúc tác phẩm vui tươi, đầy năng lượng. Sự tương tác giữa hai piano trở nên mạnh mẽ hơn, tạo ra một bầu không khí phấn khởi và tràn đầy sức sống. Chương nhạc nhanh và phóng khoáng, có thể nói đây là một đoạn nhạc mang giai điệu quyến rũ người nghe nhất của Mozart với tính đơn giản, thanh lịch và lôi cuốn người nghe đến tận cuối tiến trình của sự chuyển động âm thanh. Nghệ sĩ độc tấu ở chương nhạc này có thể phô diễn được kỹ thuật chạy ngón và tốc độ của mình đồng thời sẽ khắc hoạ hoạt cảnh trong âm nhạc giữa hai tâm hồn đồng điệu hai nghệ sĩ piano.
Hai đêm Hoà nhạc vào ngày 8 - 9/12, tại Nhà hát Hồ Gươm, Hà Nội được Ban vận động Hội Nhạc cổ điển tỏ chức có sự đồng hành của Nhà hát Hồ Gươm; Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời. Sự đồng hành của Nhà tại trợ Kim cương: Công ty Tae Kwang Vina Industrial và các Nhà tài trợ Vàng: Tập đoàn Hoà Phát; Tập đoàn T&T; Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SHB); Công ty Cổ phần GFS.
Đặt vé xin vui lòng liên hệ: Hotline:0876873058 hoặc 0913537727